Tranh luận Hộ_khẩu

Hộ khẩu không chứng minh quyền sở hữu bất động sản của các cá nhân mà chỉ là giấy tờ đăng ký địa chỉ chính thức của một ngôi nhà hoặc căn hộ, giúp chứng minh việc cư trú hợp pháp của một người nào đó, được sử dụng làm địa chỉ cho các dịch vụ và chuyển phát thư tín.[16] Với mỗi quốc gia, việc đăng ký thường trú của công dân tại địa phương là cần thiết, không chỉ để quản lý cư trú mà còn để công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ và hưởng các quyền lợi của mình tại địa phương đăng ký. Phải có đăng ký cư trú thì chính quyền địa phương mới biết mình đang quản lý ai, dân số bao nhiêu, lực lượng lao động như thế nào…, từ đó có cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng.[20]

Theo đài RFI của Pháp, theo cách quản lý của các nước Tây phương thì cư dân không có hộ khẩu. Tại Việt Nam chế độ hộ khẩu bị chỉ trích là kìm hãm và gây phiền toái trói buộc người dân, đặt chính quyền ở địa vị ban phát quyền sống và mưu cầu hạnh phúc cho dân.[21] Tuy nhiên, mục đích chính của hộ khẩu là nhằm đảm bảo an ninh trật tự xã hội, kế hoạch hóa kinh tế và quản lý dân cư. Tại chính nước Pháp, trong năm 2016 liên tục xảy ra các vụ tấn công khủng bố,[22], đặc biệt là chuỗi các vụ khủng bố tháng 11/2015. Điều này cho thấy, tại Pháp[23] và một số nước châu Âu khác hứng chịu khủng bố đang tồn tại những lỗ hổng an ninh đáng lo ngại.[24] Với việc thiếu hệ thống hộ khẩu nên đã khiến cho Pháp và các nước này mất đi một công cụ để kiểm tra, giám định và phát hiện giấy tờ giả mà các đối tượng khủng bố sử dụng. Việc thiếu hộ khẩu đã dẫn tới việc hồ sơ theo dõi các đối tượng nguy hiểm của an ninh, cảnh sát Pháp có nhiều bất cập, các đối tượng không được cập nhật mới, không giám sát được quá trình di chuyển, kết nối với nhau và tiến hành khủng bố của các đối tượng xấu.[25][26]

Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới năm 2016 thì cơ chế hộ khẩu là cản trở trong nền kinh tế Việt Nam vì những bất cập tạo ra phân biệt bất bình đẳng trong quần chúng.[13]

Tùy theo từng địa phương trên đất nước Việt Nam lại có những quy định riêng về việc nhập hộ khẩu, đặc biệt là tại các thành phố lơn như Hà NộiThành phố Hồ Chí Minh. Vào năm 2006, quốc hội và Chính phủ Việt Nam đang xem xét lại những vấn đề bất cập của hộ khẩu và vấn đề nhập khẩu về các thành phố lớn. Bộ trưởng công an Lê Hồng Anh đã có chỉ thị cho việc nhập khẩu tại các thành phố lớn, tuy nhiên, việc nhập khẩu vào Thủ đô Hà Nội vẫn rất khó khăn do những quy định của chính quyền và công an địa phương.

Theo RFA thì trong cuộc thống kê dân số năm 2015, hơn 2 triệu người ở Thành phố Hồ Chí Minh không có hộ khẩu hợp pháp. Ở Hà Nội con số này lên hơn 1 triệu. Ngân hàng Thế giớiViện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đều cho rằng chế độ hộ khẩu không còn thích hợp với tình hình Việt Nam vào giữa thập niên 2010 nữa vì gây nhiều bất cập cho dân chúng, khiến nhiều người không thể tiếp nhận những dịch vụ cơ bản.[27] Vì cho là cư dân bất hợp pháp ở những thành phố lớn nên tình trạng không có hộ khẩu sinh ra những khu gia cư tạm bợ, thiếu hạ tầng cơ sở để cung ứng vệ sinh, nước sạch, cống rãnh, bệnh viện, trường học và đường sá giao thông.[28]

Theo Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký có hiệu lực từ ngày 30 tháng 10 năm 2017, ở nhóm thủ tục đăng ký thường trú sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng Sổ hộ khẩu và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc quản lý tạm trú cũng sẽ không còn Sổ tạm trú mà thay bằng việc cập nhật thông tin cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các thủ tục liên quan đến lĩnh vực xuất nhập cảnh, đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện… cũng sẽ bỏ việc yêu cầu người dân phải xuất trình sổ hộ khẩu, giấy Chứng minh nhân dân[11][12]. Sắc lệnh này chuyển hình thức hộ khẩu giấy sang hộ khẩu điện tử. Hiện tại, đây là cũng là cách nhiều nước trên thế giới áp dụng để quản lý dân cư.[13]

Tại nhiều nước, Chính phủ áp dụng "thẻ thuế", thông qua việc quản lý thuế và thu thuế để nắm được số lượng công dân, nơi cư trú của công dân. Mỗi người dân trưởng thành, mỗi hộ kinh doanh đều phải lập các thẻ thuế, trong đó ghi rõ thông tin về công dân, nơi cư trú. Ở Hoa Kỳ thì quản lý công dân qua các "mã số công dân", mỗi người dân khi sinh ra được cấp một số công dân, tất cả giấy tờ như chứng minh nhân dân, hộ chiếu, bằng lái xe, thẻ học sinh, thẻ quân dịch, thẻ thuế... đều mang con số này. Các nước EU thì đã thống nhất sử dụng một “hộ chiếu EU", đây là sự hợp nhất bốn loại giấy tờ: hộ khẩu, hộ tịch, CMND, hộ chiếu theo cách gọi ở Việt Nam hiện nay. Như vậy, tuy không áp dụng sổ hộ khẩu nhưng thực ra Chính phủ các nước vẫn áp dụng những công cụ khác nhau để quản lý cư trú của người dân, về bản chất cũng không khác gì hộ khẩu mà chỉ khác về tên gọi. Khi mà Chính phủ vẫn coi công tác đăng ký quản lý nơi cư trú là biện pháp quan trọng để quản lý xã hội thì luôn cần phải có giấy tờ xác định nơi cư trú của công dân, không chỉ Việt Nam mà các nước châu Âu, Hoa Kỳ... cũng có những loại giấy tờ như vậy (chỉ khác nhau về tên gọi)[29]